Quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng

Thủ tướng chỉ đạo thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng...

Trước thực trạng tiếp cận vốn tín dụng vẫn còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, ngày 21/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, bám sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; đáp ứng cao nhất có thể nhu cầu vốn của nền kinh tế nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu đã đề ra, hướng tín dụng vào sản xuất, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng, nhất là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, đồng thời kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng. Ngân hàng Nhà nước rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định, nhất là các cơ chế, chính sách hết hiệu lực trong năm nay, nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh về tiếp cận vốn; về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng phát huy tinh thần, trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là các gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội và 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Các bộ, ngành, địa phương liên quan cần phối hợp rà soát kỹ, triển khai hiệu quả các gói tín dụng trên.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì tiếp tục thực hiện tích cực, hiệu quả tăng thu, giảm chi; các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2023 vượt dự toán Quốc hội giao, chống thất thu và trốn thuế; mở rộng cơ sở thu, nhất là từ thương mại điện tử, thu dịch vụ ăn uống, hoạt động kinh tế ban đêm...

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trên, đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ.

Nguồn: VTV