Điều chỉnh thủ tục về đầu tư khi thay đổi quốc tịch

Trong trường hợp người góp vốn xin thôi quốc tịch Việt Nam, doanh nghiệp nơi người đó tham gia sẽ phải chịu những điều chỉnh khác theo quy định của pháp luật.

Điều chỉnh thủ tục về đầu tư khi thay đổi quốc tịch

Hiện nay, một số người góp vốn của doanh nghiệp có vốn 100% Việt Nam xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài. Điều này đã đặt ra vấn đề phải thay đổi hàng loạt thủ tục có liên quan đến cá nhân đó (thường trú, thuế thu nhập cá nhân, sở hữu nhà,…), chưa kể các tổ chức kinh tế mà cá nhân đó góp vốn cũng phải thay đổi tùy theo tỷ lệ sở hữu vốn nhiều hoặc ít theo quy định của pháp luật chuyên ngành khá phức tạp như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở...

Luật Đầu tư 2014 quy định, nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh gồm: nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, Điều 23, Luật Đầu tư 2014 quy định về thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) thuộc một trong các trường hợp: (i) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh; (ii) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên; (iii) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.

Theo Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác, trường hợp công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam (mất quốc tịch Việt Nam).

Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư trong những ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế về đầu tư.

Theo Điều 10, Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015, điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Khoản 6, Điều 2, Nghị định này gồm: Điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; Điều kiện về hình thức đầu tư; Điều kiện về phạm vi hoạt động đầu tư; Điều kiện về đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư; Điều kiện khác theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế về đầu tư.

Trên thực tế, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cuộc sống nên có rất nhiều công dân Việt Nam thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch nước ngoài xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Theo Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác, trường hợp công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam (mất quốc tịch Việt Nam).

Như vậy, trong trường hợp người góp vốn xin thôi quốc tịch Việt Nam, doanh nghiệp nơi người đó tham gia sẽ phải chịu những điều chỉnh khác theo quy định của pháp luật.

Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, trước đây là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, nhưng nay nếu người góp vốn không còn quốc tịch Việt Nam sẽ dẫn đến trở thành doanh nghiệp có vốn nước ngoài, thì phải áp dụng đúng các quy định pháp luật.

Theo Điều 57, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 về thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, đối với doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện nhiều lần, lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng bất động sản nhưng tổng số không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng; trường hợp bên bán, bên cho thuê mua là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng số không quá 50% giá trị hợp đồng.

Thực tế ghi nhận đã và đang xảy các trường hợp trên nhưng dường như doanh nghiệp có vốn nước ngoài này vẫn chưa được chú ý và được xem là doanh nghiệp Việt Nam (không có vốn đầu tư nước ngoài), dẫn đến việc áp dụng quy định pháp luật không đúng và có thể gây thiệt hại cho người tham gia giao dịch với các doanh nghiệp này.

Luật sư Trần Đức Phượng , Đoàn luật sư TP. HCM

Nguồn Tin nhanh chứng khoán