Cựu quan chức hầu tòa vì nâng giá thiết bị gấp 1.300 lần

Sau khi tạm thoát án tử hình và nhận thêm 12 năm tù vì gây thiệt hại hơn 21 tỷ đồng, nguyên tổng giám đốc Công ty cho thuê Tài chính Vũ Quốc Hảo cùng đồng phạm lại ra tòa với cáo buộc nâng khống thiết bị lặn từ 100 triệu lên 130 tỷ đồng.

Sáng 16/9, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Vũ Quốc Hảo (59 tuổi) nguyên tổng giám đốc Công ty cho thuê Tài chính - ALC II (thuộc Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam) về tội Tham ô tài sản. 4 cựu lãnh đạo của Công ty ALC II gồm: Nguyễn Văn Tài (nguyên phó tổng giám đốc), Phạm Xuân Nghị, Nguyễn Văn Thọ, Đinh Nguyên Tý (nguyên trưởng phòng, phó phòng cho thuê tài chính của ALC II) cùng 5 bị can khác bị truy tố về cùng tội danh.

Khoảng 8h, bị cáo Hảo cùng nhiều đồng phạm được đưa đến tòa. Vẫn mặc áo sơ mi xanh như những lần trước, ông Hảo trông mệt mỏi khi theo chân cảnh sát phòng xử án. Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Văn Hà làm chủ tọa, dự kiến diễn ra trong 15 ngày. Đây là vụ tiêu cực thứ 3 tại ALC II do ông Vũ Quốc Hảo cầm đầu.

tong-giam-doc-ALC-II-6286-1410829306.jpg

Cựu Tổng giám đốc ALC II. Ảnh: Hải Duyên.

Theo cáo trạng, tháng 11/năm 2006, ông Hảo được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc, điều hành công ty ALCII. Bên cạnh đó ông còn thành lập Công ty cổ phần Cát Long Hải nhưng giao cho các cổ đông Phạm Minh Tuấn, Vũ Đức Hoà đứng tên trên danh nghĩa.  

Để có tiền đầu tư kinh doanh bất động sản và giải quyết nợ xấu cho một số công ty đối tác, ông Hảo nghĩ ra “kế sách” dùng thiết bị lặn Tinro 2 của Công ty Cát Long Hải mà trước đây một doanh nhân người Nhật góp vào sử dụng để nâng khống giá rồi bán lại cho ALCII nhằm hợp pháp hóa việc giải ngân tiền.

Tuy nhiên, thiết bị này không có giấy tờ đăng ký, đăng kiểm về hàng hải. Vì vậy, để hợp thức hóa nguồn gốc Tinro 2, ông Hảo đã bàn với Phạm Minh Tuấn thuê tàu vận chuyển thiết bị này ra Hải Phòng và cố tình để hải quan bắt giữ, tịch thu, bán đấu giá và mua lại với giá khoảng 100 triệu đồng.

Sau khi có giấy tờ hợp pháp, Hảo chỉ đạo Tuấn liên hệ với Hoàng Lộc (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần giám định, thẩm định Việt Nam - Vivaco) để thẩm định, nâng khống giá thiết bị tàu lặn lên 130 tỷ đồng để bán lại cho ALC II.

Đến tháng 12/2007, ông Hảo tổ chức họp với các lãnh đạo cấp dưới của ALC II để thông qua phương án mua thiết bị lặn của Cát Long Hải rồi làm hợp đồng cho chính công ty này thuê lại. Mặc dù biết việc giá thực tế chiếc tàu lặn chỉ có 100 triệu đồng, song những người này đều đồng ý và hoàn tất thủ tục phê duyệt việc thực hiện hợp đồng.

Sau khi giải ngân số tiền 130 tỷ, ông Hảo chỉ đạo mua lại hơn 86.000 m2 đất thuộc trạm dừng chân miền Tây tại Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) với giá gần 79 tỷ đồng. Số còn lại dùng để chi sửa chữa, bảo hiểm cho thiết bị, trả nợ hợp đồng thuê tài chính của Cát Long Hải với ALC II… Thiệt hại mà ông Hảo và đồng phạm gây ra trong vụ án này được xác định là hơn 82 tỷ đồng.

tham-nhung.jpg

Các bị cáo tại tòa sáng nay. Ảnh: Hải Duyên

Liên quan đến những sai phạm diễn ra tại Công ty ALC II, theo cáo buộc, năm 2009, do thiếu nợ đối tác trong các phi vụ đầu tư bất động sản, Hảo đã thông đồng với Đặng Văn Hai (cựu chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh) ký hợp đồng khống về thuê tài chính và mua bán tài sản là máy cẩu thủy lực bánh xích để giải ngân 120 tỷ đồng của Công ty ALCII. Trong một hợp đồng thuê tài chính khác với doanh nghiệp tư nhân Anh Phương, vị tổng giám đốc còn tham ô 4,9 tỷ đồng của công ty ALC II để trả nợ cho việc đầu tư mua đất tại Tiền Giang.

Không chỉ bỏ túi hàng chục tỷ đồng, trong thời gian đương chức, ông Hảo và dàn lãnh đạo cấp dưới còn thực hiện 9 hợp đồng cho thuê tài chính và cung ứng tài sản khống để giải ngân hơn 600 tỷ đồng của công ty ALC II nhằm thanh toán nợ xấu cho một số danh nghiệp đối tác gây thiệt hại hơn 386 tỷ đồng của Nhà nước. Tổng giá trị thiệt hại mà Hảo và các đồng phạm gây ra trong phạm vi vụ án này được cơ quan chức năng xác định là hơn 530 tỷ đồng.

Cuối năm 2013, ông Hảo cùng đồng phạm bị TAND TP HCM đưa ra xét xử và tuyên phạt mức án tử hình về các tội Tham ô tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hồi đầu tháng 7 vừa qua, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã mở phiên phúc xử tuyên hủy một phần bản án để điều tra lại về các tội Tham ô tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn của bị cáo Hảo. Theo đó, cựu Tổng giám đốc ALC II được tạm thoát án tử hình.

Tuy nhiên, cũng trong tháng 7, ông Hảo bị TAND TP HCM tuyên phạt 12 năm tù về hành vi chỉ đạo cho cán bộ cấp dưới lập hồ sơ khống, ký thực hiện hợp đồng, phụ lục bổ sung hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng mua bán trái quy định để giải ngân số tiền 25 tỷ đồng nhằm xóa nợ xấu cho hai công ty của gia đình bà Trần Thị Phương Liên (gồm Công ty VTB Thanh Hải và Công ty Cổ phần Thanh Hải). Số tiền sau khi giải ngân không được sử dụng đúng mục đích trong đó có hơn 19 tỷ dùng để trả nợ cho các công ty của bà Liên. Tổng thiệt hại trong vụ án này được xác định là hơn 21 tỷ đồng.

Sai phạm của bị cáo Hảo cùng dàn lãnh đạo cấp dưới tại ALC II và các đồng phạm được chia thành 3 vụ án xét xử độc lập. Tổng giá trị thiệt hại mà các bị cáo gây ra cho ALC II được cơ quan chức năng xác định là 633 tỷ đồng.

Hải Duyên

nguồn: vnexpress


{fcomment}