Bảo vệ môi trường trong bối cảnh mới - Bài cuối: Xác định khả năng ứng phó

Dự báo, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực có thể kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Trong khi đó, giai đoạn tới, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều xu hướng, mối nguy, thách thức về môi trường, bởi vậy, việc xác định các các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường là cần thiết.

Còn vấn đề ngoài khả năng ứng phó

Vịnh Vân Phong, một địa điểm đẹp nổi tiếng của Việt Nam bị bao vây bởi rác thải nhựa. Ảnh tư liệu: Việt Hùng/CTV

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra dẫn đến những tác động tiêu cực đối với kinh tế, môi trường và xã hội. Tình trạng suy thoái đất đai và hệ sinh thái, giảm sản lượng nông nghiệp và thủy sản, tàn phá cơ sở hạ tầng dân cư, công cộng, suy giảm hoạt động du lịch, giảm năng suất lao động do nhiệt độ tăng cao, gia tăng dịch bệnh và các rủi ro về sức khỏe. Việc phục hồi, phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học đã trở thành vấn đề cấp bách. Dự báo, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với tổn thất và thiệt hại vượt ngoài khả năng ứng phó ngay cả khi đã áp dụng triệt để các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề môi trường chưa được giải quyết như ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa hiệu quả, phần lớn được chôn lấp trực tiếp, nước thải sinh hoạt, từ các làng nghề, cụm công nghiệp phát sinh ngày càng lớn trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp diện tích do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng gia tăng. Các loài động, thực vật hoang dã tiếp tục suy giảm, vẫn còn các nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen.

Nước sử dụng cho công nghiệp, thủy sản và sinh hoạt đang có xu hướng tăng dần. Dự kiến nước sử dụng trong ngành công nghiệp sẽ tăng khoảng 15,6 tỷ m3 vào năm 2030, trong khi lượng nước mặt ít biến động qua các năm đã làm tăng nhu cầu sử dụng nước dưới đất, đặt ra mối đe dọa đối với an ninh nước, gia tăng sự cố do sụt lún đất và gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn ở các vùng cửa sông.

Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn đang nổi lên như một phương thức tiếp cận để thúc đẩy bền vững. Các quốc gia phát triển đã đặt kinh tế tuần hoàn lên ưu tiên số một để hướng tới một nền kinh tế không rác thải vào năm 2050. Nhân loại bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 với chương trình nghị sự 2030 để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững. Thỏa thuận Paris đã có hiệu lực nhằm hướng tới các hành động mạnh mẽ hơn về ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Chuyển đổi số và bảo vệ môi trường sẽ được các quốc gia đặt ưu tiên hàng đầu. Các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin phát triển mạnh, tác động tích cực đến bảo vệ môi trường.

Đổi mới phương thức quản lý môi trường

Trồng cây đước ở rừng ngập mặn ven đầm Thủy Triều, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa tại lễ trồng cây rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, ngày 12/12/2021. Ảnh minh họa: Phan Sáu/TTXVN

Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam trong giai đoạn tới cần đặt trọng tâm là xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tiếp tục đổi mới phương thức quản lý môi trường trong điều kiện chuyển đổi số, quản lý chất thải trên quan điểm phải tận dụng tối đa giá trị của tài nguyên này, đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và da dạng sinh học…

Từ tháng 1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ có hiệu lực, bởi vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn, triển khai. Giai đoạn 2021-2025 sẽ trình ban hành hoặc ban hành 18 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật gồm 3 nghị định, 5 quyết định, 10 thông tư.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến 2030, tầm nhìn đến 2050 với các nhiệm vụ trọng tâm như phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững để chủ động phòng ngừa các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm; suy thoái môi trường duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thúc đẩy bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng được xây dựng, hoàn thiện, trong đó có các nhóm quy chuẩn mới như quy chuẩn về quản lý chất thải, đặc biệt trong lĩnh vực chất thải.

Việc quản lý chất thải rắn với trọng tâm là quản lý tốt chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa. Trong đó, nội dung mới là xây dựng, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về công tác phân loại tại nguồn để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, quản lý và vận hành trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chương trình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn được thực hiện theo hướng làm thí điểm tại các địa phương có đủ điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội khác nhau, làm cơ sở nhân rộng cho các địa phương tương tự khác.

Về rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến 2030, kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, trong đó thực hiện nội dung giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa, quản lý phế liệu nhập khẩu trong Luật Bảo vệ môi trường 2020; đảm bảo đến năm 2025 sử dụng 100% túi ni-lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi ni-lông khó phân hủy kể từ năm 2026 cho mục đích sinh hoạt.

Một số chương trình, dự án trọng điểm nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng, bức xúc hiện nay để có lộ trình thực hiện xong trong 5-10 năm tới, gồm tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên phạm vi cả nước; xử lý, cải tạo phục hồi môi trường đối với các nguồn nước mặt ô nhiễm nghiêm trọng; đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các đô thị…

Về biến đổi khí hậu, Việt Nam thực hiện kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2030; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ và chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Điểm nhấn quan trọng của giai đoạn 2016-2020 là Luật Bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, có hiệu lực từ đầu năm 2022. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, trong những chính sách mới mà Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra, phải kể đến một số chính sách lớn, điển hình như đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường; xác định rõ vai trò của báo cáo đánh giá tác động môi trường; quản lý chất thải rắn sinh hoạt; ứng phó với biến đổi khí hậu; quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh; quan trắc môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; công cụ kinh tế và nguồn lực bảo vệ môi trường; thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường...

Các chính sách này được triển khai sẽ nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong đó một số chính sách lớn được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường.

Nguồn: https://baotintuc.vn/xa-hoi/bao-ve-moi-truong-trong-boi-canh-moi-bai-cuoi-xac-dinh-kha-nang-ung-pho-20211229073703946.htm