Tình mộng mơ trong thơ Thanh Tịnh

Chúng ta biết nhiều về Thanh Tịnh qua tác phẩm Tôi đi học (truyện ngắn, 1941) - được đưa vào chương trình giảng dạy, mà quên đi một Thanh Tịnh, nhà thơ của những vần thơ tình mộng mơ, buồn lơ đễnh.

Nhà thơ Thanh Tịnh. Ảnh internet

Thanh Tịnh (1911-1988), tên khai sinh là Trần Văn Ninh, sau được đổi là Trần Thanh Tịnh. Ông là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Việt Nam. Cũng như nhiều trí thức ảnh hưởng của văn hóa Pháp thời bấy giờ, văn chương Thanh Tịnh cũng không nằm ngoài lệ.

Mặc dù vậy, từ nhỏ, Thanh Tịnh đã học chữ Hán. Có lẽ thế, mà sau này, thơ ông vẫn có gì đó cũ xưa, chưa thể thoát lên được điều gì mới như Xuân Diệu. Thơ Thanh Tịnh mang một chút buồn của thơ Đường, một chút buồn như Huy Cận, và còn lại là mộng mơ của Thanh Tịnh.

Ông viết nhiều về truyện ngắn, ở thể loại này, ông cũng gặt hái được một số thành công nhất định. Nhưng không hẳn đã vượt trội so với nhiều cây bút chuyên viết truyện ngắn khác, như Thạch Lam, hay Nam Cao.

Thanh Tịnh, dù sao cũng nên chuyên tâm vào thơ, thì có lẽ, ông sẽ có đóng góp nhiều hơn cho nền văn học Việt Nam. Nhưng Thanh Tịnh đã đi qua rồi, ông cũng đã đi xa chúng ta. Gia tài ông để lại cho đời xứng đáng được tôn vinh là một nhà văn, nhà thơ tài ba của Việt Nam.

Một số tác phẩm của Thanh Tịnh: Hận chiến trường (tập thơ, 1937); Quê mẹ (truyện ngắn, 1941); Tôi đi học (truyện ngắn, 1941) - được đưa vào chương trình giảng dạy; Chị và em (truyện ngắn, 1942); Con so về nhà mẹ (truyện ngắn, 1943); Ngậm ngải tìm trầm (truyện ngắn, 1943); Sức mồ hôi (ca dao - 1954) Những giọt nước biển (tập truyện ngắn - 1956); Đi từ giữa mùa sen (truyện thơ -1973)…Những cống hiến về văn học của Thanh Tịnh sau này được ghi nhận, khi ông đã được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2007).

Trích đoạn Tôi đi học của Thanh Tịnh. Ảnh internet

Thanh Tịnh, một nhà thơ của tình yêu mộng mơ, thời phong trào Thơ Mới, ông đã viết về tình yêu với nỗi buồn cô quạnh, dường như một nửa kia không bao giờ tìm được một nửa còn lại. Nỗi buồn cứ thế dai dẳng. Người mong đợi thì chìm vào trong sương, bao nhiêu ký ức càng khiến con người ta chìm vào đau khổ.

Còn nhớ hôm xưa độ tháng này

Cánh đồng xào xạc gió đùa cây

Vô tình thiếu nữ cùng ta ngắm

Một đoạn tơ trời lững thững bay

Tơ trời theo gió vướng mình ta

Mỗi khắc bên nàng nhẹ bỏ qua

Nghiêng nón nàng cười, đôi má thắm

Ta nhìn vơ vẩn áng mây xa...

Tìm dấu hoa xưa giữa cánh đồng

Bên mình chỉ nhận lúa đầy bông

Tơ trời lơ lững vươn mình uốn

Đến nối duyên mình với... cõi không!

(Tơ trời với tơ lòng)

Bài thơ Tơ trời với tơ lòng cho thấy kỷ niệm của một chàng trai với cô gái trước đây cùng ngắm tơ trời. Nàng được tả rất đẹp, dịu dàng, đó là nghiêng nón cười, đôi má thắm. Nhưng sau này, thời gian qua đi, mọi thứ đổi khác, chẳng còn cô gái nữa. Trên cánh đồng, chỉ còn mình chàng trai, thiếu nữ không thấy đâu, chỉ thấy lúa đầy bông.

Rõ ràng, tình yêu của chàng trai là một tình yêu đầy những mộng mơ, không thực tế. Thanh Tịnh đã vẽ nên một cuộc tình tan vỡ nhưng đẹp. Có lẽ đây cũng là dòng thơ mà sau phong trào Thơ Mới, người ta bắt chước nhiều theo cách viết như Thanh Tịnh.

Còn khổ gì hơn lúc xế chiều

Em không trông thấy bóng người yêu

Mơ màng em đợi tình quân gọi

Khắc khoải bên đồng tiếng dế kêu

Dế kêu ran tận chân trời

Thương anh, em gọi nhưng lời không đi

Phương em đứng ngóng phương gì?

Mà chiều tháng trước anh đi không về.

(Tiếng gọi của đồng quê)

Hai khổ đầu trong bài Tiếng gọi của đồng quê cũng được Thanh Tịnh viết vào quãng thời gian phong trào Thơ Mới. Ta thấy Thanh Tịnh trong thơ như người luôn yêu đơn phương, và chính vì vậy, mà tình yêu tránh xa những cái cầm tay, tình yêu lúc này lại càng buồn vô hạn hơn.

Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Thanh Tịnh được Hoài Thanh – Hoài Chân đánh giá: “Xem thơ Thanh tịnh cái cảm giác trội nhất của tôi là thấy một cái gì cứ dàn trải, dàn trải hoài mà lại lỏng. Có lẽ là một mặt hồ, cũng chưa đúng. Hồ còn có bờ, có hình nhất định. ở đây không có bờ, và nước - âu cũng phải gọi là nước - cứ chảy tràn lan. Những cảnh sắc in hình trên mặt nước vẫn thường xuyên thay đổi: có khi là một cây liễu rủ, có khi là một lũy tre. Nhưng sắc dầu có khác, bao giờ cũng chỉ ngần ấy nước mà thôi. Có một lần người ta bỗng thấy trên mặt nước dựng lên một lâu đài xương máu (Hận chiến trường, Mấy vần thơ máu); nhưng khi người ta tới nơi nó lại biến mất. Thì ra một ảo cảnh.

Kể chỗ này cũng trống trải. Hình như đằng xa kia có vài ngọn núi. Nhưng đây vẫn là nơi hò hẹn của những ngọn gió bốn phương. Mỗi lần gió đến mặt nước không buồn cưỡng, cứ tự nhiên lướt theo chiều gió. Có khi người ta còn thấy nó vươn mình lên ngang tầm gió, tưởng chừng như nó muốn hóa thân làm gió. Nhưng qua lại thôi và rồi nó cũng được cái mềm mại, cái ẩn ước là bản sắc của nó”.

Mặc dù không quá nổi bật về giọng điệu, lối viết, nhưng Thanh Tịnh đã sánh cùng các nhà thơ phong trào Thơ Mới bằng những rung cảm về tình yêu mộng mơ của mình. Và từ đó, Thanh Tịnh sau này không thể tìm được cái mộng mơ đó nữa.

Nguồn: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/tinh-mong-mo-trong-tho-thanh-tinh-33824/